Tập làm phó nháy: khẩu, tốc, độ nhạy sáng những thông số căn bản cần nắm

·

8 min read

Tập làm phó nháy: khẩu, tốc, độ nhạy sáng những thông số căn bản cần nắm

Sau một thời gian chắc bóp, để dành cuối cùng bạn cũng có thể tự sắm cho mình một cái máy chụp hình. Cảm giác cầm một cái máy hình mua bằng chính tiền túi của mình, bấm nút chụp kêu tách tách thiệt là đã.

Nhưng hỡi ơi, thực tế phũ phàng không như mình mơ tưởng. Hình chụp ra tấm thì như đi về phía mặt trời(cháy sáng), tấm thì như đêm 30 đen thui(thiếu sáng), tấm thì như thơ Hàn Mặc Tử - "ở đây sương khói mờ nhân ảnh" tức là hình bị nhòe đó!

Hổng lẽ mua nhầm máy dởm ta!?

Khả năng cao là không và lý do tại sao thì mời bạn xem tiếp.

Tạm bỏ qua cái gọi là "tính nghệ thuật" của tấm hình vì nó tùy thuộc vào nhận xét chủ quan của người xem. Một tấm hình cơ bản gọi là đẹp trước tiên cần đảm bảo hài hòa 3 yếu tố:

  • Đầu tiền phải đủ sáng, tức là không bị cháy sáng hay thiếu sáng.

  • Thứ hai phải đúng nét, tức là đối tượng chính trong tấm hình phải sắc nét, không bị nhòe.

  • Thứ ba là hình phải trong, không bị nhiễu.

Ba yếu tố trên bị chi phối bởi ba thông số chính trong máy chụp hình đó là khẩu độ(Aperture), tốc độ màn trập(Shuter Speed) và độ nhạy sáng của cảm biến(ISO). Cả ba thông số này không hoạt động độc lập mà chúng có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, người chụp cần kết hợp tăng giảm sao cho phù hợp, tương tự như cách tăng giảm gia vị khi nấu ăn.

Để có món ăn ngon cần tăng giảm các loại gia vị cho phù hợp, để có tấm hình đẹp, thì tùy vào ánh sáng môi trường và đối tượng cần chụp cũng phải tăng giảm 3 thông số khẩu độ, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng sao cho phù hợp.

Mối tương quan giữa 3 thông số trên được thể hiện qua mô hình gọi là tam giác phơi sáng(Exposure Triangle).

Tam giác phơi sáng

Nhìn vào tam giác phơi sáng trên bạn sẽ thấy:

  1. Khẩu độ(Apeture) lớn nhất(f/1.4) thì độ sáng là cực đại, do ánh sáng vào cảm nhiều nhất, hình sáng nhất và ngược lại. Khẩu độ nhỏ nhất(f/16) thì độ sáng là cực tiểu tức là ánh sáng và cảm biến ít nhất, hình tối nhất.

    Khẩu độ hay còn gọi là độ mở của ống kính được ký hiệu bằng ký tự ƒ chia cho tỷ lệ giữa tiêu cự của ống kính với đường kính khẩu độ của nó (ƒ/#) hay còn gọi là số f-stop(1.4, 2, 2.8,…). Số ƒ-stop càng thấp thì khẩu độ càng mở càng có nhiều ánh sáng vào cảm biến hơn. Ngược lại Số ƒ-stop càng cao thì khẩu độ càng khép lại nên có ít ánh sáng hơn vào cảm biến.

    Khẩu độ cũng kiểm soát cả hiệu ứng chiều sâu của hình, còn gọi là độ sâu trường ảnh(Depth of field). Nếu khẩu độ mở hẹp (ví dụ ƒ/16), hình ảnh sẽ sắc nét, nếu khẩu độ mở rộng (ví dụ ƒ/1.4), hình sẽ có những vùng bị mờ, tạo hiệu ứng depth of field còn gọi xóa phông (bokeh).

    Khẩu độ khác nhau tạo ra hiệu ứng bokeh khác nhau.

    Hiệu ứng bokeh

    Khẩu độ khác nhau tạo ra hiệu ứng độ sâu trường ảnh khác nhau.

    Độ sâu trường ảnh f-stop depth of field

  2. Tốc độ màn trập(Shutter Speed) lớn nhất(1/1000), thì thời gian để ánh sáng vào cảm biến ít nhất, hình tối nhất nhưng bù lại hình sắc nét nhất và ngược lại. Tốc độ màn trập nhỏ nhất(1/8) thời gian để ánh sáng vào cảm biến nhiều nhất, hình sáng nhất nhưng độ sắc nét cũng kém nhất, tức là hình bị nhòe, không còn đúng nét nữa.

    Đơn vị tốc độ màn trập tính theo giây, ví dụ: tốc độ màn trập 1/100 tương đương 1 phần trăm giây... Tốc độ màn trập chậm cho phép ánh sáng vào cảm biến nhiều hơn, dẫn đến ảnh sáng hơn, dùng chụp các ảnh tĩnh trong điều kiện thiếu sáng. Trong khi đó tốc độ màn trập nhanh làm ánh sáng vào ít, hình bị tối, dùng để bắt các chuyển động nhanh.

    Tốc độ màn trập

    Hình trên chụp chong chóng đang quay, minh họa cách tốc độ màn trập khác nhau tạo ra các hiệu ứng khác nhau. Trường hợp bên trái tốc độ màn trập lớn nhất, máy hình “bắt” được chuyển động, từng cánh quạt sắc nét không bị mờ. Trường hợp bên phải tốc độ màn trập nhỏ nhất, đường nét của từng cách quạt bị nhòe nhưng lại tạo ra hiệu ứng đẹp mắt.

    Khi để tốc độ màn trập thấp, bức ảnh sẽ sáng hơn, và có thể tạo hiệu ứng phơi sáng thú vị. Ví dụ chụp cảnh thác nước khi để tốc độ màn trập thấp sẽ tạo hiệu ứng dải lụa đẹp mắt.

    Tốc độ màn trập

    Hiệu ứng phơi sáng thú vị khi để tốc độ màn trập thấp ứng dụng chụp cảnh vũ công múa lửa.

    Tốc độ màn trập

    Tuy nhiên không phải lúc nào tốc độ màn trập thấp cũng tạo ra hiệu ứng đẹp mắt ví dụ như hình bên dưới, do đó cần lưu ý để ứng dụng cho phù hợp.

    Tốc độ màn trập

  3. Độ nhạy sáng của cảm biến(ISO) lớn nhất(12800) thì cảm biến có khả năng thu được nhiều ánh sáng nhất, có khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt nhất nhưng đổi lại sẽ bị nhiễu nhiều nhất, hình không còn được trong và ngược lại. Độ nhạy sáng nhỏ nhất(100), khả năng thu sáng kém nhất nhưng đổi lại ít nhiễu nhất, hình lúc này sẽ trong nhất.

    Hình thực tế cho thấy mức độ nhiễu khác nhau khi tăng ISO. Trường hợp bên trái ISO thấp nhất(1600) hình trong và ít nhiễu nhất. Trường hợp bên phải ISO cao nhất(6400) hình nhiễu và nhiều sạn nhất, các chi tiết không còn được mịn màn sắt nét nữa.

    Độ nhậy sáng ISO

Cách áp dụng tam giác phơi sáng

Nguyên lý chung khi áp dụng tam giác phơi sáng là khi bạn thay đổi độ phơi sáng tăng hoặc giảm giá trị một trong ba thông số trong tam giác phơi sáng, thì bạn phải gia giảm một mức tương đương bằng một hoặc hai thông số còn lại sao cho hình của bạn lúc nào cũng đủ sáng, đúng nét và không bị nhiễu.

Thí dụ khi chụp ảnh bằng chế độ tự động, căn cứ vào điều kiện ánh sáng môi trường xung quanh, máy chụp hình tự động đưa ra các thông số như sau:

  • Tốc độ chụp 1/15 giây

  • Khẩu độ f/2.8

  • ISO 1600

Ứng dụng tam giác phơi sáng - Triangle Exposure

Nhưng nếu chụp với tốc độ màn trập thấp 1/15s có thể làm hình chụp bị nhòe do bị rung tay. Để khử độ rung này, bạn muốn tăng 2 mức lên 1/60s. Tuy nhiên, khi tăng tốc độ màn trập lên lên 2 mức thì lượng sáng vào cảm biến cũng giảm đi 2 mức. Tức là hình sẽ tối hơn thông số ban đầu 2 mức.

Để giữ nguyên độ sáng của hình chụp bạn có thể thay đổi các thông số còn lại theo 3 cách.

  • Cách 1: Giữ nguyên khẩu độ, tăng ISO lên 2 mức là ISO 6400 để bù sáng sau khi bạn đã tăng tốc độ màn trập lên hai mức là 1/60s.

    Ứng dụng tam giác phơi sáng - Triangle Exposure

    Nhưng khi tăng ISO lên 2 mức với giá trị 6400 thì hình có thể bị nhiễu, do đó bạn muốn thay đổi khẩu độ thay vì ISO.

  • Cách 2: Giữ nguyên ISO, tăng khẩu độ lên 2 mức là ƒ/1.4

    Ứng dụng tam giác phơi sáng - Triangle Exposure

    Nhưng khi tăng khẩu độ lên 2 mức với giá trị ƒ/1.4 thì độ sâu trường ảnh hẹp, chỉ có vùng gần máy hình là rõ nét trong khi vùng xa máy hình thì bị mờ, trong khi yêu cầu là cả vùng gần và xa máy hình đều phải rõ nét. Do đó cần phải kết hợp thay đổi cả khẩu độ lẫn ISO.

    Độ sâu trường ảnh - depth of field

  • Cách 3: Kết hợp tăng khẩu độ và ISO

    Thay vì tăng 2 mức khi thay đổi từng thông số, giờ kết hợp thay đổi cả 2 thông số nhưng mỗi thông số chỉ tăng một mức. Lúc này khẩu độ sẽ là ƒ/2 còn ISO là 3200 để bù lại mức ánh sáng đã giảm đi do tăng tốc độ từ 1/15s lên 1/60s để khử rung.

    Ứng dụng tam giác phơi sáng - Triangle Exposure

    Lúc này kết quả có thể đạt được yêu cầu, không bị nhòe do rung tay, hình đủ sáng và độ nhiễu ở mức chấp nhận được.

    Tuy nhiên, không có một công thức chung áp dụng cho tất cả các trường hợp. Trên chỉ là ví dụ hinh họa về cách áp dụng tam giác phơi sáng. Tùy điều kiện thực tế mà thay đổi, gia giảm 3 thông số trên sao cho phù hợp.

    Tóm lại, cần phải thực hành nhiều để nắm vững kỹ thuật phơi sáng. Hãy thử thay đổi các thiết lập để nhận thấy sự khác biệt. Tùy trường hợp mà thay đổi yếu tố nào vì chúng không ảnh hưởng tới độ phơi sáng mà còn liên quan đến các khía cạnh khác như việc thay đổi khẩu độ sẽ ảnh hưởng đến độ sâu của trường ảnh - DOF, thay đổi độ nhạy sáng sẽ ảnh hưởng đến độ nhiễu hạt - Noise của ảnh và thay đổi tốc độ sẽ ảnh hưởng đến việc chụp các đối tượng đang chuyển động.

    Cần lưu ý là ngoài cách chụp theo chế độ tự động - Auto Mode và thiết lập tùy chỉnh bằng tay - Manual Mode, máy ảnh số còn có lựa chọn chụp ưu tiên theo tốc độ - Shutter Priority hoặc ưu tiên khẩu độ - Aaperture Priority cho phép bạn thực hiện các quyết định về một hoặc hai yếu tố của tam giác phơi sáng và để cho máy tự động xử lý các yếu tố còn lại.